Những điều cần biết về giấy thông hành đi Trung Quốc
Giấy thông hành đi Trung Quốc là một loại giấy tờ khá phổ biến có thể thay thế cho visa Trung Quốc. Tuy nhiên, bạn có nắm rõ các quy định pháp luật liên quan đến giấy thông hành không? Và làm thế nào để có thể được cấp giấy thông hành? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.

Hình thức của giấy thông hành
Giấy thông hành là gì?
Giấy thông hành là một trong những loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam dùng để xuất nhập cảnh qua cửa khẩu ở biên giới các nước tiếp giáp (Trung Quốc, Lào, Campuchia).
Như các bạn đã biết, để được nhập cảnh vào một quốc gia khác thì phải có thị thực (visa) do nước đó cấp. Tuy nhiên, trong trường hợp sử dụng giấy thông hành, bạn sẽ không cần phải có visa để nhập cảnh. Khi đi lại ở cửa khẩu, thủ tục giải quyết sẽ được thực hiện như khi bạn mang hộ chiếu có dán visa.

Giấy thông hành đi Trung Quốc
Lợi ích này đến từ việc thống nhất trong quy chế quản lý giữa hai nước có chung đường biên giới. Với mục đích giúp cho việc xuất nhập cảnh của công dân trở nên dễ dàng hơn. Và tất nhiên, không phải ai cũng có thể xin được giấy thông hành. Ngoài ra, giấy thông hành cũng có một số điểm hạn chế nhất định so với visa thông thường.
Điều này sẽ được làm rõ hơn ở những nội dung dưới đây.
Đối tượng được cấp giấy thông hành đi Trung Quốc
Như đã nhắc đến ở trên, không phải ai cũng được cấp giấy thông hành đi Trung Quốc. Những đối tượng được xem xét cấp giấy thông hành là:
- Công dân Việt Nam thường trú tại các xã, phường, thị trấn tiếp giáp đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc.
- Cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan nhà nước có trụ sở đóng tại huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh của Việt Nam tiếp giáp đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc được cử sang vùng biên giới đối diện của Trung Quốc trao đổi công vụ.
Và những đối tượng trên phải không thuộc trường hợp chưa được xuất cảnh theo quy định của pháp luật.
Thời hạn của giấy thông hành đi Trung Quốc
Giấy thông hành này có thời hạn không quá 12 tháng kể từ ngày cấp và không được gia hạn.
Giấy được sử dụng nhiều lần trong phạm vi vùng biên giới.
Phạm vi sử dụng của giấy thông hành
Công dân Việt Nam xuất cảnh sang Trung Quốc bằng giấy thông hành được hoạt động trong phạm vi vùng biên giới đối diện của Trung Quốc tiếp giáp Việt Nam.
Vùng biên giới đối diện được hiểu là xã, phường, thị trấn tiếp giáp đường biên giới Việt Nam bên phía Trung Quốc.
Thủ tục cấp giấy thông hành đi Trung Quốc
Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền
- Trưởng Công an cấp xã tiếp giáp đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc trong trường hợp công dân Việt Nam thường trú tại các xã, phường, thị trấn tiếp giáp đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc;
- Trưởng Công an cấp huyện tiếp giáp đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc trong những trường hợp còn lại;
- Nếu Trưởng Công an vắng mặt, Phó trưởng Công an sẽ có thẩm quyền và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
Hồ sơ
Một bộ hồ sơ gồm:
– 01 tờ khai đề nghị cấp giấy thông hành xuất, nhập cảnh (Mẫu TK9);
– 02 ảnh mới chụp, cỡ 4cmx6cm, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, phông nền màu trắng, trong đó 01 ảnh dán vào tờ khai.
Trình tự thực hiện
Bước 1: Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ. Hướng dẫn người thực hiện hoàn tất hồ sơ nếu chưa đầy đủ.
Bước 3: Trong 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc cấp giấy thông hành. hoặc Nếu quyết định không cấp thì phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.
Kết quả thực hiện
Giấy thông hành đi Trung Quốc
Thời gian thực hiện
01 ngày làm việc
Lệ phí
- 5.000đ trong trường hợp thứ nhất;
- 50.000đ trong trường hợp thứ hai.
Cơ sở pháp lý
– Thông tư 67/2013/TT-BCA ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Bộ Công an Quy định việc cấp giấy phép thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới cho công dân Việt Nam qua lại biên giới Việt Nam – Trung Quốc;
– Thông tư 219/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.
Làm gì với giấy thông hành đi Trung Quốc?
Có được giấy phép thông hành rồi, bạn có thể nhập cảnh vào Trung Quốc mà không cần visa. Với mục đích là du lịch, công tác, buôn bán.
Một số địa điểm được nhiều người quan tâm có thể kể đến như:
- Thành phố Bằng Tường, thành phố Nam Ninh (Quảng Tây): Tiếp giáp cửa khẩu Hữu Nghi Quan – biên giới đường bộ giữa Việt Nam và Trung Hoa tại địa phận tỉnh Lạng Sơn
- Thành phố Đông Hưng (Quảng Tây): tiếp giáp cửa khẩu Móng Cái tại tỉnh Quảng Ninh.
- Thành phố Hà Khẩu (Vân Nam): tiếp giáp với cửa khẩu Lào Cai.
Chúc các bạn may mắn và thành công!