Thời hạn của giấy phép lao động là bao nhiêu?
Như các bạn đã biết, giấy phép lao động là một loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam cấp cho người lao động nước ngoài. Nó chứng minh người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam một cách hợp pháp và là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích của họ cũng như người sử dụng lao động. Để biết thêm về loại giấy tờ này, bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Giấy phép lao động và những điều cần biết. Trong bài viết này, Visa24h chỉ đề cập đến những nội dung liên quan đến thời hạn của giấy phép lao động. Mời các bạn cùng theo dõi.
Giống như hầu hết các giấy tờ khác, giấp phép lao động cũng có thời hạn nhất định. Tức là khi vượt quá khoảng thời gian này, giấy phép lao động sẽ không còn có hiệu lực. Người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài sẽ phải thực hiện thủ tục cấp mới hoặc cấp lại giấy phép lao động.
Vào vấn đề chính của bài viết, thời hạn của giấy phép lao động theo quy định của pháp luật hiện nay là bao lâu?
Thời hạn của giấy phép lao động khi cấp mới
Thời hạn của giấy phép lao động được quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012 và Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Theo đó, thời hạn của giấy phép lao động là thời hạn của một trong các trường hợp sau nhưng không quá 02 năm (hay tối đa là 02 năm):
- Thời hạn của hợp đồng lao động dự kiến sẽ ký kết;
- Thời hạn của bên nước ngoài cử người lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam;
- Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài;
- Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận cung cấp dịch vụ ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài;
- Thời hạn nêu trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ;
- Thời hạn đã được xác định trong giấy chứng nhận của tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Thời hạn trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thành lập hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ đó;
- Thời hạn trong văn bản chứng minh người lao động nước ngoài được tham gia vào hoạt động của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam.
Như vậy, ta có thể thấy thời hạn của giấy phép lao động phụ thuộc phần lớn vào hình thức mà người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Thời hạn của giấy phép lao động khi cấp lại
Nếu bạn đã đọc bài viết Thủ tục cấp lại giấy phép lao động cho người nước ngoài, bạn có thể thấy rằng có hai trường hợp cấp lại giấy phép lao động.
– Trường hợp thứ nhất: Cấp lại giấy phép lao động trong trường hợp giấy phép lao động còn thời hạn bị mất, bị hỏng hoặc thay đổi nội dung ghi trong giấy phép lao động.
Thời hạn của giấy phép lao động trong trường hợp này bằng thời hạn của giấy phép lao động đã được cấp trừ đi thời gian người lao động nước ngoài đã làm việc tính đến thời điểm đề nghị cấp lại giấy phép lao động.
– Trường hợp thứ hai: Cấp lại giấy phép lao động trong trường hợp giấy phép lao động còn thời hạn ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày (sắp hết thời hạn).
Thời hạn của giấy phép lao động trong trường hợp này được tính như các trường hợp cấp mới và đương nhiên vẫn không vượt quá 02 năm.
Thời hạn của giấy phép lao động ghi nhận ở đâu?
Nội dung này được ghi nhận trong chính giấy phép lao động khi được cấp bên cạnh thông tin về tình trạng giấy phép.
Cụ thể, ở mục số 9: “Thời hạn làm việc từ ngày … tháng … năm … đến ngày … tháng … năm …”.
Lưu ý về thời hạn của giấy phép lao động
– Giấy phép lao động khi hết thời hạn sẽ bị thu hồi. Việc thu hồi sẽ được người sử dụng lao động thực hiện và nộp lại cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng với văn bản ghi rõ từng trường hợp.
– Thời hạn của giấy phép lao động rất quan trọng đối với thủ tục cấp lại giấy phép lao động (hay thường được gọi là gia hạn giấy phép lao động). Trong khoảng thời gian từ 05 đến 45 ngày trước khi hết hạn, người sử dụng lao động sẽ phải thực hiện thủ tục này nếu như có nhu cầu. Nếu như đã hết hạn, sẽ phải làm thủ tục cấp mới.
– Người lao động nước ngoài sử dụng giấy phép lao động đã hết hạn đương nhiên bị coi là bất hợp pháp và có thể bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Như vậy, thời hạn của giấy phép lao động là nội dung rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của cả người lao động và người sử dụng lao động.
Hi vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn thời hạn của giấy phép lao động và những ảnh hưởng của nó trong mối quan hệ lao động. Nếu bạn còn bất cứ điều gì thắc mắc, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để được giải đáp và sử dụng dịch vụ tốt nhất.